logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

DẤU HIỆU PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ VÒM MŨI HỌNG

Ung thư biểu mô vòm mũi họng (Nasopharyngeal Carcinoma –NPC) là khối u ác tính xuất phát từ biểu mô phủ của vùng vòm mũi họng. Ở nước ta đây là 1 trong 5 loại ung thư hay gặp nhất, nam/nữ: 3/1 và là loại ung thư gặp nhiều nhất trong vùng Tai mũi họng. Ung thư vòm họng nếu được phát hiện sớm có tiên lượng khá tốt.

I. Về nguyên nhân: Hiện nay có 3 giả thuyết chính

- Do virus Epstein Barr (EBV).

- Do gen di truyền: người Đông Nam Á. Liên quan đến HLA.

- Các yếu tố nguy cơ liên quan đến tập quán ăn uống, đặc biệt là ăn các thức ăn lên men chua, cá muối có hàm lượng Nitrosamin cao.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ của NPC còn có: Thói quen hút thuốc lá và uống rượu; Điều kiện làm việc môi trường sống ô nhiễm; Các nhiễm trùng dai dẳng ở TMH.

II. Các dấu hiệu gợi ý sớm: Do vòm có vị trí giải phẫu liên quan mật thiết đến vùng nền sọ, tai và mũi nên các dấu hiệu sớm của NPC sẽ biểu hiện ở các cơ quan này (triệu chứng mượn) và biểu hiện thường một bên.

1. Đau đầu: là dấu hiệu gợi ý sớm rất hay gặp

Vị trí đau có thể gặp ở vùng chẩm, vùng trán, nhưng thưởng hay gặp nhất là đau nửa đầu cùng bên với bên bệnh. Đau nửa đầu là một dấu hiệu gợi ý sớm rất có giá trị, nhất là khi nó xuất hiện cùng các dấu hiệu khác như là ù tai, hoặc nổi hạch cổ to cùng bên.

2. Ngạt tắc mũi:

Một số bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngạt, tắc mũi từ từ tăng dần, lúc đầu ở một bên, sau lan sang hai bên. Dấu hiệu này có thể bị bỏ qua do chẩn đoán nhầm với viêm mũi, viêm xoang, lệch vách ngăn...

3. Xì máu mũi:

Xì máu mũi, khịt khạc máu cũng là dấu hiệu hay gặp. Khi có dấu hiệu này bệnh nhân thường lo lắng nhiều do vậy đến viện khám sớm, thường gặp nhất là xì mũi nhảy lẫn máu và khịt khạc nhày lẫn máu.

4. Dấu hiệu sớm về hạch cổ to:

Đây là dấu hiệu sớm hay gặp thứ 3 và là một dấu hiệu quan trọng của ung thư vòm. Nó thưởng xuất hiện sớm ở vị trí kinh điển sau góc hàm (hạch Kutner).

5. Ù tai:

Thường gặp là ù tai tiếng trầm dai dẳng ở 1 bên, rất khó chịu, đã có một số trường hợp xuất hiện kèm viêm tai thanh dịch do bán tắc vòi nhĩ đã được chẩn đoán nhầm và mổ viêm tai xương chùm hoặc đặt ống thông nhĩ.

6. Nghe kém:

Nghe kém cũng là dấu hiệu thường xuất hiện kèm ù tai, nhưng xuất hiện muộn, không giảm nghe nhiều và đôi khi bị che lấp bởi dấu hiệu ù tai nên thường bệnh nhân ít để ý đến.

7. Liệt các dây thần kinh sọ não: sớm nhất dây V (liệt cơ nhai, tê bì miệng và mặt một bên), VI (lác trong).

8. Khám nội soi TMH: khối u, sùi chắc kèm loét, hoại tử, thâm nhiễm…có thể xuất phát tại vị trí nóc vòm, thành sau, thành bên…

9. Sinh thiết là tiêu chuẩn vàng ( nhiều khi phải sinh thiết nhiều lần): 90% là K biểu mô không biệt hóa.

III. Điều trị:

Điều trị NPC chủ yếu là xạ trị và hóa trị. Giai đoạn sớm NPC được điều trị bằng xạ trị đơn thuần. Giai đoạn 3, 4 được điều trị bằng xạ trị kết hợp với hóa trị.

IV. Phòng bệnh:

1. Vấn đề phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu

- Tư vấn, tuyên truyền  cho cộng đồng về vấn đề phát hiện sớm NPC. Đây không phải bệnh không chữa được mà chỉ có tiên lượng xấu khi đã vào giai đoạn muộn.

- Giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường như hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn mặn hay sử dụng đồ hộp chế biến sẵn, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ; có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường hoá chất độc hại…

- Tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khoẻ.

2. Vấn đề phát hiện sớm NPC:

- Cho tới nay việc phát hiện sớm NPC vẫn là biện pháp tăng tỉ lệ sống sau điều trị.

- Để đạt được điều này cần chú trọng việc tầm soát ung thư vòm họng bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng 6 tháng/lần, xét nghiệm miễn dịch có giá trị sàng lọc nhất là những người có yếu tố nguy cơ…giúp phát hiện được tổn thương dạng khối vùng vòm với các hình thái điển hình như sùi, loét, thâm nhiễm hoặc kết hợp các tổn thương này, qua đó giúp phát hiện sớm ung thư ngay từ khi tổn thương còn nhỏ và người bệnh chưa có triệu chứng.

BSCKI. Hà Vân Chi

BSCKII. Lưu Thu Hiền

Khoa TMH – Bệnh viện GTVT

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận