logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

Kỹ thuật sử dụng bơm tiêm Insulin cho người bệnh đái tháo đường

Insulin là thuốc tiêm có vai trò kiểm soát đường huyết ở cả người bệnh đái tháo đường típ 1 và típ 2. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại bút tiêm giúp người bệnh có thể  thuận tiện trong việc tự sử dụng như Lantus SoloStar, NovoMix 30 Flexpen, Glaritus, Novorapid Flexpen,…Tuy nhiên, nhược điểm của những loại thuốc này là giá thành khá cao.Do đó, các chế phẩm ở dạng lọ đi kèm với bơm tiêm vẫn rất cần thiết. Bài viết này sẽ đưa ra những hướng dẫn giúp quá trình sử dụng bơm tiêm của người bệnh được dễ dàng và chính xác hơn.

 

1. Các chế phẩm Insulin dạng lọ tại bệnh viện:

Một số chế phẩm Insulin dạng lọ có mặt tại bệnh viện như: 

 

Thuốc Scilin M30 (30/70) 40IU/ml

Thuốc Wosulin R 40 IU/ml x10ml

Thuốc Insulatard 100IU/ml x 10ml

Thuốc Insunova 30/70 Biphasic 100IU/ml x 10ml

Thuốc Scilin N 40IU/ml x 10ml

Thuốc Scilin R 40IU/ml x 10ml

Thuốc Insunova-N 100IU/ml x 10ml

Thuốc Mixtard 30 100 IU/ml x 10ml

 

2. Nên xoay vòng vị trí tiêm Insulin như thế nào?

Tái sử dụng kim tiêm và tiêm thuốc nhiều lần tại cùng một vị trí có thể dẫn tới tình trạng phì đại cục bộ, hoặc thoái hóa và teo mô mỡ tại vị trí tiêm. Điều đặc biệt, người bệnh lại hay có xu hướng tiêm vào các vị trí bị phì đại mô mỡ do làm giảm cảm giác đau. Thói quen này có thể dẫn tới việc hấp thu thuốc chậm và không thể đoán trước, từ đó gây giảm hiệu quả kiểm soát đường huyết. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần thực hiện theo các chỉ dẫn như sau:

  • Chia các khu vực thường được tiêm thành 2 phần hoặc 4 phần. Các khu vực được tiêm bao gồm: mặt trước bụng, vùng đùi, vùng cánh tay trên, vùng mông.

    Các khu vực tiêm insulin

Cụ thể các khu vực tiêm như sau:

Mặt trước bụng

Cách rốn 5 cm về phía bên phải hoặc bên trái; và cách rốn 2.5 cm phía bên trên hoặc bên dưới.

Vùng cánh tay

1/3 giữa mặt sau của cánh tay từ phần mỏm vai đến khớp khuỷu tay.

Vùng đùi

Mặt trước và mặt bên ngoài của 1/3 giữa đùi từ gai chậu trước đến đầu gối.

Vùng mông

Góc phần tư phía trên bên ngoài (đây được xem là vị trí tiêm thuốc phù hợp với trẻ em).

  • Cần luân phiên thay đổi vị trí tiêm theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
  • Các vị trí tiêm nên cách nhau ít nhất 1 cm để tránh gây tổn thương mô.
  • Vị trí tiêm nên được luân phiên tại một vùng trong vòng 6-12 tuần trước khi chuyển sang các vùng khác để hạn chế sự dao động của nồng độ thuốc trong máu.
  • Ngoài ra, mặt trước bụng có thể chia thành các vòng tròn trong và vòng tròn ngoài (như hình bên dưới), vị trí tiêm có thể xoay vòng theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.

Các vòng tròn tiêm thuốc vùng bụng

  • Tỷ lệ hấp thu thuốc qua da khác nhau tại các vị trí tiêm: vùng bụng> vùng cánh tay>vùng đùi.

3.Kỹ thuật sử dụng bơm tiêm Insulin:

Quá trình tiêm insulin thực hiện theo 10 bước sau đây:

Bước 1:

+ Rửa sạch tay và lau khô bằng khăn mềm.

+ Lựa chọn và làm sạch vùng cần tiêm.

Bước 2: Nếu sử dụng thuốc tiêm dạng hỗn dịch (Insulatard; Mixtard 30; Wosulin 30/70; Insunova 30/70; Insunova-N; Scilin N), lăn lọ thuốc 20 lần giữa 2 lòng bàn tay cho đến khi thuốc trong lọ đồng nhất. Không được lắc lọ thuốc.

B1: Rửa sạch tay và lau khô

B2: Lăn lọ thuốc 20 lần giữa 2 lòng bàn tay

Bước 3: Lau phần trên cùng của lọ Insulin bằng bông phẫu thuật.

Bước 4: Rút không khí vào ống tiêm bằng liều insulin cần tiêm.

B3: Lau phần trên cùng lọ thuốc bằng bông

B4: Rút không khí vào ống tiêm bằng liều cần tiêm

Bước 5: Với cùng cây kim và ống tiêm, đâm nhẹ nhàng vào giữa nút cao su của lọ một góc 90 độ và đẩy không khí vào lọ.

Bước 6: Lật ngược lọ Insulin, rút từ từ và đều đặn thuốc vào ống tiêm tương đương với liều lượng cần tiêm.

Bước 5: Đẩy không khí vào lọ

Bước 6: Rút từ từ và đều đặn thuốc vào ống tiêm

Bước 7: Kẹp véo da bằng ngón trỏ và ngón cái để cố định vùng da cần tiêm. Đâm khoảng 2/3 chiều dài kim qua da theo một góc 45 độ hoặc 90 độ, bơm thuốc từ từ trong khoảng 5 đến 10 giây. Tránh đâm kim quá sâu thành tiêm bắp.

Kỹ thuật véo da đúng

Kỹ thuật véo da sai

Bước 8: Sau khi tiêm giữ kim khoảng 10 giây để Insulin được hấp thu hết.

Bước 9: Nhả nếp gấp da sau khi rút kim. Đặt một miếng bông gòn khô lên vị trí đã tiêm.

Bước 10: Vứt bỏ hoàn toàn ống tiêm và kim tiêm sau khi đã sử dụng, không nên tái sử dụng lại.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm Insulin:

  • Cần kiểm tra kỹ tên thuốc, hạn dùng, hướng dẫn sử dụng và những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc.
  • Sau khi mở nắp hoặc bị đâm thủng, lọ insulin có thể được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, dù được bảo quản ở nhiệt độ nào, lọ insulin đã mở nắp chỉ được sử dụng trong vòng 28 ngày.
  • Lọ insulin đã được bảo quản trong tủ lạnh nên được lấy ra làm ấm về nhiệt độ phòng (bằng cách lăn giữa 2 lòng bàn tay) trước khi tiêm.
  • Kim tiêm insulin chỉ nên dùng một lần rồi bỏ để tránh nhiễm khuẩn và gây đau khi tiêm.
  • Thời điểm tiêm insulin còn phụ thuộc vào loại insulin sử dụng là insulin tác dụng nhanh, tác dụng trung bình hay tác dụng kéo dài. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ thời gian tiêm được bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy cơ tụt đường huyết và duy trì nồng độ thuốc trong máu được ổn định.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y Tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 5481/QĐ-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
  2. Sri Lanka Medical Association (2017), “Best Practice in Insulin Injection Technique: A Simplified Guideline”, pp. 1-61.
  3. Consumer MedSafety.org (2022), Insulin Safety Center mục Storage of Insulin

 

 

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận